Địa đạo Củ Chi là hệ thống hầm phòng thủ trong lòng đất dài 250km, gồm 3 tầng, được đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
1.1 Địa đạo Củ Chi ở đâu?
Địa chỉ: Đường Tỉnh lộ 15, Ấp Phú Hiệp, Xã Phú Mỹ Hưng, Huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử nổi tiếng bậc nhất tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Từ trung tâm thành phố, bạn cần vượt qua quãng đường 70km để tới được đây. Cách di chuyển phổ biến nhất là đi xe tự lái, ngoài ra bạn cũng có thể chọn đi bus hoặc taxi.
Địa đạo Củ Chi là khu di tích lịch sử nổi tiếng bậc nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh
1.2 Hướng dẫn di chuyển đến Địa đạo Củ Chi
▶ Di chuyển bằng xe buýt
Đi địa đạo Bến Dược:
1. Xuất phát từ Bến Thành, bạn bắt xe buýt tuyến số 13 (Bến Thành – Củ Chi) để đến bến xe Củ Chi, sau đó tiếp tục đi xe buýt số 79 (Củ Chi – Dầu Tiếng) để đến địa đạo Bến Dược.
2. Từ bến xe Chợ Lớn, bạn đi xe buýt số 94 (Chợ Lớn – Củ Chi) đến bến xe Củ Chi, rồi chuyển sang xe buýt số 79 để đến địa đạo Bến Dược.
Đi địa đạo Bến Đình:
1. Từ Bến Thành, đi xe buýt số 13 đến bến xe An Sương. Tại đây, tiếp tục đi xe buýt số 122 đến bến xe Tân Quy, sau đó đi xe buýt số 70 để đến địa đạo Bến Đình.
2. Nếu xuất phát từ bến xe Chợ Lớn, bạn đi xe buýt số 94 đến bến xe An Sương, sau đó đi tuyến 122 đến Tân Quy, tiếp tục bắt xe buýt số 70 để đến địa đạo Bến Đình.
▶ Di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô tự lái: Đi theo tuyến đường Trường Chinh – ngã tư An Sương – Hóc Môn, sau đó đi tiếp theo tỉnh lộ 15 (TL15) là tới địa đạo Củ Chi.
▶ Di chuyển bằng đường thủy: Bạn có thể trải nghiệm đi tàu trên sông Sài Gòn để đến địa đạo Củ Chi – một hình thức di chuyển mới mẻ và thú vị gần đây, tuy nhiên chi phí khá cao. Xuất phát từ bến Bạch Đằng, bạn sẽ đi tàu Greenlines để đến địa đạo Củ Chi.
Tuyến đường di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến Địa đạo Củ Chi từ trung tâm TP. HCM
1.3 Giờ mở cửa tham quan Địa đạo Củ Chi
Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00 hằng ngày kể cả chủ nhật, lễ Tết
Khụ vực đền thờ tại Địa đạo Củ Chi
2/ Tìm hiểu về lịch sử Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là căn cứ chiến lược gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1948. Công trình này được quân và dân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An cùng nhau thực hiện để giúp bộ đội ẩn nấp, cất giữ vũ khí, tư trang, chờ cơ hội phản công. Ban đầu, người dân mỗi làng đào một địa đạo riêng. Nhưng về sau, để tiện đi lại, vận chuyển đồ dùng, vũ khí nên các địa đạo đã được kết nối với nhau, tạo thành một hệ thống liên hoàn. Trong thời kỳ kháng chiến Mỹ, địa đạo Củ Chi được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở rộng thêm. Công trình càng được gia cố chắc chắn, thiết kế rất công phu, thể hiện tính kỹ thuật và ý chí chiến đấu mãnh liệt của nhân dân ta. Địa đạo Củ Chi lúc này là chiến lũy an toàn, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Sài Gòn - Gia Định, lập nên nhiều chiến công vang vội, góp phần thống nhất đất nước. Đến thời điểm hiện tại, khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, nơi đây cũng lọt vào top 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại khu vực Đông Nam Á, thu hút đông đảo khách du lịch.
Hệ thống Địa đạo Củ Chi từng trải dài trên dài trên 6 xã, hiện được bảo tồn tại hai khu vực chính:
- Địa đạo Bến Dược: Từng là căn cứ của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, tọa lạc tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ban hành ngày 29/4/1979.
- Địa đạo Bến Đình: Trước đây là căn cứ của Huyện ủy Củ Chi, tọa lạc tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Khu di tích này được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004.
Những lối đi bên trong địa đạo.
3/ Khám phá sức hấp dẫn của khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
Việc xây dựng hệ thống địa đạo Củ Chi hoàn chỉnh là kết quả của hơn 20 năm lao động bền bỉ của nhiều thế hệ. Mỗi tổ đào thường gồm 3 đến 4 người, trong đó có người đào, người kéo đất ra ngoài và mang đi đổ. Hệ thống này được hình thành từ cuối những năm 1940 và được lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng hiệu quả trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Địa đạo được đào trên nền đất sét pha đá ong, giúp tăng độ bền và giảm nguy cơ sụt lở.
Toàn bộ địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài khoảng 250km, chia thành 3 tầng sâu khác nhau:
- Tầng cao nhất cách mặt đất 3m, có thể chống được đạn pháo và chịu được sức nặng của xe tăng/ xe bọc thép.
- Tầng giữa cách mặt đất khoảng 5-6m, chống được bom cỡ nhỏ.
- Tầng sâu nhất cách mặt đất 10-12m, hết sức an toàn, đủ sức chống chịu sức công phá từ những loại bom mạnh nhất của quân đội Mỹ.
Từ trục chính như xương sống, các nhánh hầm tỏa ra dài ngắn đan xen, thông với nhau hoặc độc lập, chấm dứt tùy địa hình. Có nhánh dẫn ra tận sông Sài Gòn. Ngoài khu vực để bộ đội sinh sống, trữ vũ khí, Địa đạo Củ Chi còn chia làm nhiều nhánh với các khu vực hố đinh, hầm chông, bãi mìn… Các đường hầm chỉ được đào bằng cuốc và xi xúc đất, có chiều cao thấp, chỉ vừa đủ để một người di chuyển trong tư thế khom người. Dù địch đã liên tục tìm cách phá hủy địa đạo bằng bom, bơm nước, hơi ngạt… hệ thống được thiết kế chia tách từng khu vực riêng biệt nên thiệt hại không lớn.
Hệ thống địa đạo Củ Chi được tái hiện lại bằng mô hình.
Địa đạo là biểu tượng cho sự kiên cường, trí tuệ và lòng tự hào của người dân Củ Chi. Dù địch đã tổ chức nhiều cuộc càn quét, ném bom quy mô lớn trong suốt nhiều năm, họ vẫn không thể khuất phục được sự kháng cự quyết liệt tại vùng căn cứ địa kiên cố này. Đến mức, lính Mỹ phải kinh sợ khi Củ Chi trở thành “vùng đất chết” đối với lính thủy đánh bộ Mỹ và các đơn vị thiết giáp Sài Gòn. Lối ra vào giữa các tầng địa đạo được ngụy trang bằng các nắp hầm bí mật. Cửa hầm được thiết kế nhỏ hẹp, phù hợp với vóc dáng người Việt, khiến lính Mỹ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Bên trong hệ thống địa đạo có đầy đủ các khu chức năng như phòng chỉ huy, phòng nghỉ, kho vũ khí, bệnh xá…
Lối vào hầm chiến đấu được ngụy trang tinh vi.
Ít ai ngờ rằng bên dưới lòng đất sau lớp lá này là cả một hệ thống cơ quan phức tạp.
Lối xuống tầng hai địa đạo Củ Chi.
Bên trong địa đạo có các hầm rộng có thể mắc võng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu.
Không khí trong địa đạo được dẫn vào qua các ống thông hơi bí mật, được bố trí cách nhau khoảng 10–15 mét, nhìn từ mặt đất giống như ụ mối. Một số ống thông gió còn được sử dụng như điểm bắn bí mật để tấn công địch. Trong nhiều trường hợp, lính Mỹ phát hiện ra địa đạo nhờ chó nghiệp vụ, nhưng các chiến sĩ du kích đã khéo léo đối phó bằng cách dùng quần áo, xà phòng Mỹ hoặc hạt tiêu rải ở cửa hầm và lỗ thông gió để đánh lừa khứu giác của chó.
Lỗ thông gió của địa đạo được ngụy trang như tổ mối.
Một số được sử dụng như lỗ châu mai.
Trên mặt đất và bên trong địa đạo còn được bố trí hàng loạt ụ chiến đấu, hố chông, bãi mìn, bẫy… liên kết chặt chẽ, tạo nên một trận địa phòng thủ kiên cố trong thế trận chiến tranh du kích, được gọi là "xã chiến đấu". Ngoài ra, quân dân trong vùng còn sáng chế nhiều loại vũ khí thô sơ nhưng hiệu quả để giăng bẫy khắp nơi nhằm tiêu diệt kẻ thù.
Mìn chống tăng và dàn phóng bom bi tự tạo của du kích Vành đai thép Củ Chi.
4/Những trải nghiệm thú vị tại Địa đạo Củ Chi
4.1 Tham quan hầm địa đạo
Đến với Địa đạo Củ Chi, theo MIA.vn thì trải nghiệm thú vị nhất bạn không thể bỏ lỡ đó là chui hầm. Tại đây, bạn sẽ hiểu hơn về những khó khăn của bộ đội xưa. Bên cạnh đó là sự ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của cán bộ và nhân dân ta. Tuy nhiên với những bạn sợ không gian hẹp thì chui hầm có thể là trải nghiệm không được thoải mái cho lắm. Ở khu vực cửa hầm, bạn có thể nếm thử một số món ăn mà bộ đội và đồng bào ta ăn hàng ngày như khoai, sắn, củ mài chấm muối vừng…
Chui hầm là trải nghiệm thú vị nhất khi đến với Địa đạo Củ Chi
4.2 Khám phá khu tái hiện vùng chiến tranh
Khu tái hiện vùng chiến tranh được xây dựng trong một căn hầm nhỏ gần mặt đất. Bên trong là một màn hình trình chiếu lớn cùng những chiếc ghế đơn sơ. Tại đây, du khách sẽ được xem lại những thước phim chiến tranh quý giá, ghi lại toàn bộ cảnh sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân ta. Một số cảnh là phim tài liệu thực tế, một cố khác là cảnh tái hiện.
Xe tăng được trưng bày tại Địa đạo Củ Chi
Bên cạnh đó, tại Địa đạo Củ Chi bạn còn được chiêm ngưỡng rất nhiều những hiện vật lịch sử quý giá như các loại súng bộ đội ta sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, xe tăng, máy bay chiến đấu… Những hiện vật này được bảo quản rất tỉ mỉ, bạn có thể nhìn ngắm nhưng không được tự ý chạm vào để tránh gây hư hại nhé.
Khung cảnh chế tạo vũ khí bên dưới địa đạo được tái hiện rõ nét.
Hầm cứu thương ở địa đạo Củ Chi.
Khu vực bếp và bàn ăn của các chiến sĩ năm xưa.
Hầm nhà may quân trang, quân dụng bên trong địa đạo.
4.3 Thưởng thức chương trình "Trăng chiến khu" trong tour đêm Địa đạo Củ Chi
Tour đêm Củ Chi mang đến trải nghiệm mới mẻ khi khám phá địa đạo trong khung cảnh về đêm. Lấy ánh trăng làm điểm nhấn, tour giúp bạn hiểu hơn về cuộc sống ban đêm của người dân Củ Chi trong vùng giải phóng giai đoạn 1961-1964. Những hoạt động đặc trưng được tái hiện như đào địa đạo, đan lát dưới trăng, thanh niên tình nguyện lên đường đánh giặc, xay lúa giã gạo, nam nữ đối đáp trên đồng, họp chợ, văn công biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân – tất cả hòa quyện trong âm thanh bom đạn, pháo kích và tiếng máy bay địch.
Tour tái hiện hoạt cảnh thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chương trình gồm hai phần chính. Từ 18h đến 18h50 bạn sẽ tham quan sa bàn và xem phim 3D mô phỏng trận càn Cedar Falls diễn ra năm 1967. Tiếp đó, từ 19h30 đến 20h30 là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Trăng chiến khu", kèm theo hoạt động ăn uống tự do tại chợ đêm.
Những du khách đang thưởng thức đoạn phim 3D trình chiếu tại tour đêm địa đạo Củ Chi.
4.4 Trải nghiệm trò chơi bắn súng thú vị
Khu vực chơi bắn súng được các bạn trẻ cực kỳ yêu thích bởi mang lại cảm giác mạnh, sự hồi hộp và gắn kết bạn bè. Địa đạo Củ Chi cung cấp hai phiên bản là bắn súng thể thao quốc phòng và bắn súng đạn sơn.
Nếu chọn bắn súng thể thao quốc phòng thì bạn sẽ được sử dụng súng trường, có nhân viên hướng dẫn tháo lắp và tập bắn. Trò chơi này bạn có thể chơi cá nhân, nhân viên giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn. Bạn không cần thuê súng nhưng sẽ cần mua đạn với mức giá từ 40.000 VND đến 60.000 VND/viên.
Du khách chơi bắn súng thể thao quốc phòng
Còn với những nhóm bạn đi đông người thì chơi súng sơn sẽ thú vị hơn. Đây là trò chơi tập thể, vừa rèn luyện thể lực còn tăng cường kỹ năng phối hợp đồng đội cũng như rèn luyện khả năng phản ứng nhanh nhạy. Chi phí tham khảo cho trò chơi này là 50.000 VND/người cho mỗi lượt chơi 60 phút, giá đạn bắn khoảng 3.000 VND/viên.
4.5 Khu giải trí và trò chơi trên nước
Khu trò chơi cũng nằm trong khuôn viên khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi. Bạn đi bộ khoảng 15 phút sẽ gặp hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông, bên cạnh là rừng gỗ quý và ba mô hình kiến trúc mang tính biểu tượng của ba miền là Chùa Một Cột, Ngọ Môn Quan và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng. Tại Địa đạo Củ Chi, bạn còn có thể chơi rất nhiều trò chơi thú vị như đạp xe, bơi, chèo thuyền kayak. Bạn sẽ cần mua vé để chơi các trò này theo bảng giá niêm yết.
Khu giải trí và trò chơi trên nước
4.6 Tham quan trạm cứu hộ động vật hoang dã
Trạm cứu hộ động vật không thuộc khuôn viên Địa đạo Củ Chi nhưng chỉ cách khoảng vài kilomet. Vì vậy, với những đoàn học sinh cấp 1, cấp 2 đi tham quan thì đây sẽ là điểm đến rất hấp dẫn. Trạm cứu hộ này là bệnh viện động vật hoang dã lớn nhất ở khu vực phía Nam. Tại đây hiện đang cứu hộ khoảng 3600 loài thú quý hiếm, nhiều loài có mặt trong Sách Đỏ. Trạm cứu hộ thiết kế với quy mô rộng lớn, tạo điều kiện để các loài động vật hoang dã được sống trong môi trường gần với tự nhiên nhất. Được ngắm nhìn tận mắt các loài động vật quý hiếm chắc chắn sẽ là ký ức đáng nhớ trong hành trình du lịch, khám phá Địa đạo Củ Chi.
Tham quan trạm cứu hộ động vật hoang dã gần Địa đạo Củ Chi
5/ Những lưu ý khi tham quan Địa đạo Củ Chi
- Địa đạo Củ Chi rất rộng lớn, bạn sẽ phải đi bộ và chui hầm để khám phá. Vì vậy, bạn hãy chọn trang phục thật thoải mái, đi giày thể thao, quần áo rộng rãi.
- Tại đây có bán đầy đủ nước uống, thức ăn.
- Nếu bạn muốn mua đồ lưu niệm thì có thể vào các cửa hàng trong khuôn viên khu di tích, do Ban quản lý Địa đạo Củ Chi mở. Giá các mặt hàng tại đây được niêm yết rõ ràng, bạn có thể thoải mái lựa chọn, vừa túi tiền thì mua. Còn nếu mua đồ bên ngoài thì có thể sẽ bị chặt chém và hét giá.
Món khoai mì (củ sắn) luộc chấm muối được bán ở Địa đạo Củ Chi
Khu bán đồ lưu niệm tại Địa đạo Củ Chi
Trên đây là các thông tin, kinh nghiệm từ cẩm nang du lịch để bạn có chuyến tham quan Địa đạo Củ Chi với nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Khu di tích này chắc chắn sẽ khiến bạn có thêm nhiều hiểu biết về một giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc.