Đà Nẵng đang trong mùa cao điểm du lịch hè, với lễ hội pháo hoa quốc tế, những bãi biển đẹp, đa dạng hoạt động giải trí và nhiều món ngon.
Các món ăn và quán ăn dưới đây được Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cùng các thành viên trên Diễn đàn Du lịch Đà Nẵng với hơn 600.000 người gợi ý.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn gần như vùng nào cũng có, nhưng bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng đặc biệt bởi lớp thịt nạc xen kẽ hai đầu mỡ. Thịt được sơ chế kỹ, luộc đến khi chín tới rồi thái lát mỏng. Miếng bánh tráng là loại phơi sương, thơm mùi gạo, dai và dẻo, không bị vỡ khi cuốn, kèm theo một lớp bánh phở tráng mỏng. Các loại rau ăn kèm đều được trồng tại địa phương như rau thơm, xà lách, tía tô, diếp cá, rau cần cạn, xoài non, chuối xanh, khế, bắp chuối bào, dưa chuột. Mắm nêm có vị mặn đậm đà, xen lẫn vị ngọt thanh của đường, hoà cùng cay của ớt và không thể thiếu vị chua của dứa bằm. Ngoài bánh tráng cuốn thịt heo, thực khách còn có thể chọn thịt bê, cá nục và nhiều đồ ăn khác.
Địa chỉ tham khảo: Quán Trần (đường Lê Duẩn, Hải Phòng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh), quán Mậu (đường Đỗ Thức Tịnh, Trưng Nữ Vương), quán Đại Lộc (Trưng Nữ Vương), Bà Hường (đường Duy Tân).
Gỏi cá Nam Ô
Món ăn được đặt tên theo địa danh Nam Ô, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 10 km về phía bắc. Gỏi cá Nam Ô thường là cá trích, có hai loại khô và ướt, với hai cách chế biến khác nhau. Đối với gỏi cá khô (ảnh), cá sau khi sơ chế, để ráo nước sẽ trộn với thính, vừng rang, lạc rang, bánh tráng nướng giã nhỏ cùng một số gia vị khác. Còn gỏi cá ướt thì sau khi cá làm sạch được ướp với gừng, riềng, tỏi và ớt băm nhuyễn rồi ngâm trong nước dùng pha nước mắm. Nước chấm gỏi cá Nam Ô dùng nước ép cá đun sôi, hòa thêm nước mắm Nam Ô, ớt, riềng, bột năng, rồi trộn cùng vừng và lạc giã nhỏ. Món ăn còn kết hợp với các loại rau rừng tươi như cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng.
Địa chỉ tham khảo: Gỏi cá Bà Mì (đường Mai Lão Bạng), Gỏi bà Hiền (đường Trần Cao Vân), Gỏi Nam Ô (đường Nguyễn Lương Bằng), Gỏi Phù Sa (đường Ngô Xuân Thu). Gỏi cá Nam Ô cũng được bán tại nhiều quán ăn vỉa hè trong thành phố.
Hải sản
Đến Đà Nẵng không thể không ăn hải sản. Đường bờ biển dài mang tới nguồn hải sản dồi dào phong phú với nhiều loại như mực, tôm, cua, ghẹ, sò điệp. Đồ ăn cũng được chế biến theo nhiều cách như hấp, nướng mọi, nướng phô mai, mỡ hành. Đà Nẵng có vô số các nhà hàng hải sản từ bình dân đến cao cấp nằm dọc bờ biển và sâu trong các con phố trung tâm. Du khách đến Đà Nẵng, lý tưởng nhất là tìm một quán dọc đường biển, vừa ăn tối vừa tận hưởng không khí mát mẻ.
Địa chỉ tham khảo: Bé Ni (Võ Nguyên Giáp), Bà Rô (Lý Tử Tấn), Biển Rạng (Hoàng Sa), Phố Biển (Nguyễn Tất Thành và Khu công viên Bắc tượng đài, quận Hải Châu), Namas Seafood & Restaurant (Lý Tự Trọng), The Lob Seafood Bar (Nguyễn Chí Thanh), Mỹ Hạnh (Võ Nguyên Giáp), Năm Đảnh (Trần Quang Khải - ảnh), Bé Anh (Hồ Nghinh), Bé Mặn (Võ Nguyên Giáp)
Bánh mì bột lọc
Đà Nẵng có nhiều loại bánh mì, trong đó bánh mì bột lọc là một trong những loại được yêu thích nhất. Bánh mì bột lọc thường có ở miền Trung, dùng loại đặc ruột, nướng giòn, với nhân gồm bánh bột lọc tôm, kèm giò lụa, thịt xá xíu, xúc xích. Nước sốt của bánh mì bột lọc thường được làm từ nước mắm nấu keo lại, thêm ớt, thịt băm và tương cà, vừa mặn vừa cay cay ngọt ngọt. Ngoài bột lọc tôm, còn có bột lọc chay, nhân đậu xanh.
Một số địa chỉ: Bánh mì bột lọc thường được bán ở các gánh hàng rong, các xe bánh lưu động trong khu phố trung tâm. Ngoài ra, du khách có thể tìm tại các quán bánh mì như Duy Tân, Đồng Tiến, Tiến Thành, bà Lan, cô Hoa.
Bê thui
Bê thui ngon nhất ở Cầu Mống, Quảng Nam, nhưng tại Đà Nẵng món ăn này cũng rất phổ biến và cũng có nhiều địa chỉ để thưởng thức. Bê thui thường được quay từ những con bê khoảng 4-5 tháng tuổi, thịt chín tái, mềm và ngọt, da bên ngoài vàng. Bê chín được xẻ thành từng mảng lớn, treo trong tủ kính, khi có khách mới thái thành từng lát mỏng, xếp ra đĩa. Ăn bê thui không thể thiếu mắm nêm, rau sống và bánh tráng cuốn.
Địa chỉ tham khảo: Bê thui Kim Chi (đường Trưng Nữ Vương), quán Lý (Ngũ Hành Sơn), quán Mười (Nguyễn Tri Phương), quán Điện Biên Phủ, quán Lão Hạc (đường Nguyễn Phan Vinh), quán Hồn Gia (đường Trần Đình Nam).
Các loại bún
Đà Nẵng cũng là "thiên đường" của bún như bún chả cá (ảnh) hay bún cá ngừ, bún cá thu, bún hải sản, bún mắm nêm thịt quay, bún bò, bún thịt nướng. Mỗi loại đều có hương vị riêng, đa dạng. Bún chả cá chua thanh, bún hải sản chua cay, bún mắm nêm đậm đà, bún thịt nướng ngọt thơm còn bún bò Huế đậm vị mắm ruốc đặc trưng. Các hàng bún thường bán suốt cả ngày, nên du khách có thể ăn vào mọi bữa, từ sáng tới tối, thậm chí cả đêm muộn.
Địa chỉ tham khảo: bún chả cá đường Nguyễn Chí Thanh; bún bò Trưng Nữ Vương, Trần Tống; bún hải sản Nguyễn Hữu Thọ, Trần Quý Cáp; bún mắm nêm dì Liên (đường Trần Bình Trọng), bà Đông (đường Huỳnh Thúc Kháng).
Chè sầu riêng
Chè sầu riêng (chè sầu) là món tráng miệng nổi tiếng ở Đà Nẵng những năm gần đây. Không chỉ được bán rộng khắp thành phố, chè sầu Đà Nẵng còn được "xuất" đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nếu ăn được sầu riêng, thực khách không thể bỏ qua món ăn này, với vị ngọt mát, không gắt, thơm vị sầu và kết hợp ăn ý với các loại hoa quả, thạch, hạt đác. Hầu hết các quán chè ở Đà Nẵng đều có bán chè sầu, cùng nhiều loại đồ giải khát như chè đậu xanh, chè Thái, phô mai sữa chua, rau câu dừa, chè dừa non, kem bơ, tàu hũ.
Địa chỉ tham khảo: Chè sầu Liên (đường Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, 2/9, Trần Cao Vân, Hải Phòng), chè Xuân Trang (đường Lê Duẩn, Hùng Vương), chè Thái Na Na (đường Hoàng Diệu).
Các loại bánh, cơm và mì khác
Bên cạnh các món kể trên, du khách tới Đà Nẵng còn có rất nhiều lựa chọn khác như bánh xèo nem lụi (ảnh), cơm gà, mì Quảng, các loại bánh Huế, bánh bèo, bánh canh, cơm niêu, bánh đập, bánh căn, cơm gà, các món cơm Việt.
Địa chỉ tham khảo: Bánh xèo bà Dưỡng (đường Hoàng Diệu), Ẩm thực Xèo (đường Võ Văn Kiệt và Hoàng Văn Thụ), bánh bèo Dì Bé (đường Hoàng Văn Thụ), quán Madame Lân (đường Bạch Đằng), cơm gà Tài Ký (đường Nguyễn Hoàng), mì Quảng bà Mua (đường Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Tri Phương).