Khu di tích nhà Bạch Công Tử
admin
2024-08-28T21:35:49-04:00
2024-08-28T21:35:49-04:00
https://nguyenquangvu.com/trangchu/du-lich-4-phuong/khu-di-tich-nha-bach-cong-tu-88.html
https://nguyenquangvu.com/trangchu/uploads/news/2024_08/image-20240829082658-1.jpeg
GIẢI TRÍ - THƯ GIÃN - CHIA SẺ KIẾN THỨC
https://nguyenquangvu.com/trangchu/uploads/logo-nguyenquangvu-com_1.png
Giới thiệu đôi nét về Khu di tích nhà Bạch Công Tử
Địa chỉ: Số 62, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Giờ mở cửa: 8h00 - 11h30 và 13h30 - 16h30
Ngược về quá khứ với những địa điểm du lịch Tiền Giang, các bạn không chỉ có cơ hội tham quan Khu di tích Ấp Bắc - nơi lưu giữ chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng 5 châu, mà còn có thể viếng thăm và khám phá Khu di tích nhà Bạch Công Tử, một địa chỉ tái hiện cuộc sống giàu sang bậc nhất của vị công tử nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ 20. Được xây dựng trong 1 năm, khu di tích hay nói chính xác hơn là nhà Bạch công tử có tổng diện tích lên đến 322 m2, tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 4000 m2. Ngôi nhà sở hữu lối thiết kế theo kiến trúc phương Tây đặc trưng của những gia đình giàu có vào đầu thế kỷ 20, sử dụng các cây cột lớn, mái lợp, và phần kèo bằng gỗ quý làm thiên hướng chủ đạo.
Khu di tích nhà Bạch Công Tử là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa lịch sử
Ngày 27 tháng 1 năm 2016, Chính quyền tỉnh Tiền Giang đã có công văn chính thức quyết định xếp hạng nhà Bạch công tử hay Khu di tích nhà Bạch Công Tử vào danh sách Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh thành. Thành phố Mỹ Tho ngay sau đó đã bắt tay vào sưu tầm và phục dựng lại nơi này thành địa điểm tham quan du lịch.
2/ Hướng dẫn cách di chuyển đến Khu di tích nhà Bạch Công Tử
Nhà Bạch công tử hay Khu di tích nhà Bạch Công Tử ngụ tại làng Mỹ Chánh, quận Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, nay là số 62, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang. Giống với nhiều địa điểm tham quan khác có vị trí ngay trung tâm, nhất là những ngôi chùa như chùa Vĩnh Tràng, Chùa Bửu Lâm Gò Công, chùa Linh Thứu..., khu di tích thu hút đông đảo các bạn gần xa ghé đến viếng thăm và khám phá. Để đến Khu di tích nhà Bạch Công Tử, đầu tiên, từ trung tâm thành phố Mỹ Tho, bạn di chuyển về hướng đường Nguyễn Thị Thập hay quốc lộ 60. Chạy đến vòng xuyến thì tiếp tục đi thẳng vào Nguyễn Trãi. Tại vòng xoay cây kẹo, bạn rẽ phải vào đường Hùng Vương rồi rẽ trái vào Thủ Khoa Huân. Đi qua cầu quay khoảng 400 m, bạn sẽ nhìn thấy khu di tích phía bên tay trái. Cả quãng đường khoảng 4,3 km, chỉ mất từ 5 đến 10 phút để di chuyển tới đây.
Không gian bên trong ngôi nhà với nhiều nội thất bằng gỗ quý
3/Khám phá khu di tích
3.1 Gia thế lẫy lừng của Bạch công tử
Tương truyền, thuở sinh thời, ông Lê Công Phước - con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng nức tiếng gần xa là "ông hoàng ăn chơi" của Nam kỳ lục tỉnh thời kỳ đầu thế kỷ 20. Cái tên "Bạch công tử" mà người đời đặt cho ông Phước là để phân biệt ông với "Hắc công tử" Trần Trinh Huy, hay còn gọi là Công tử Bạc Liêu.
Chân dung vị công tử "chịu chơi" Lê Công Phước
Người xưa kể lại rằng, Bạch công tử là người có dáng dấp thư sinh, nước da trắng trẻo và phong thái đĩnh đạc, ung dung. Ông sống trong nhung lụa và được chiều chuộng từ nhỏ. Trong một lần Đốc phủ sang Pháp dự hội chợ, ông đã đưa Bạch công tử tới đây với hy vọng con mình có thể tiếp thu kiến thức và văn minh phương Tây, làm rạng danh gia đình. Năm 1909, ông Phước đi du học tại Pháp, lấy tên là George Phước. Điều khiến Đốc phủ Lê Sủng Công chẳng thể ngờ là chuyến hành trình này lại khởi nguồn cho thời kỳ ăn chơi quên lối về của cậu con trai. George đến trời Tây như "cá gặp nước", rất "sính" ngoại. Khi quay về quê nhà, Bạch công tử đã cho xây dựng ngôi nhà của mình theo lối kiến trúc sang trọng chỉ có tại những gia đình vọng tộc trời Âu lúc bấy giờ.
Ngôi nhà của Bạch công tử được xây dựng theo lối kiến trúc Châu Âu
Là người đam mê cải lương, năm 1926, Bạch công tử hùn vốn với Nguyễn Ngọc Cương (hay còn được biết đến là thân phụ của nghệ sĩ Kim Cương) để lập gánh hát Phước Cương. Đây chính là gánh hát có quy mô tầm cỡ nhất Nam Kỳ thời gian này, quy tụ nhiều đào kép vang danh như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo... Tuy nhiên, gánh hát tồn tại được 1 năm thì tan rã.
Cấu trúc ngôi nhà rộng hơn 322 m2 nhìn từ trên cao xuống
Đến giai đoạn năm 1929, Bạch công tử cho dựng rạp cải lương, thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ. Là rạp hát thay thế Phước Cương, gánh có nhiều đào kép nổi tiếng như Phùng Há, Ba Vân, Tám Du, Năm Phỉ, Năm Thiện, Năm Kiệt, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Trong đó, cô đào danh tiếng Phùng Há là vợ của Bạch công tử. Rạp hát được xây sát ngôi nhà của ông. Cũng được một thời gian thì rạp hát suy tàn, bị thua lỗ đến mức phải bán thanh lý cho người ta. Bạch công tử cũng dần khánh kiệt, nhiều tài sản bao gồm căn nhà phải mang bán trả nợ. Bản thân ông lao vào con đường nghiện ngập đến lúc qua đời. Những giây phút cuối cùng, Bạch công tử không còn chút tài sản nào. Thi hài ông được người quen đem về an táng trên mảnh đất vốn là của Bạch công tử nay đã sang tay đổi chủ.
Một gian nhà Bạch công tử treo hình ảnh gánh hát Huỳnh Kỳ nổi tiếng
3.2 Trải nghiệm khám phá lối kiến trúc Châu Âu xưa tại Khu di tích nhà Bạch Công Tử
Nếu yêu thích lối kiến trúc Châu Âu sang trọng, ngôi nhà với khuôn viên trải dài và phong cách thiết kế chuẩn nước Pháp của Bạch công tử tại khu di tích hứa hẹn sẽ làm bạn xuýt xoa về độ chịu chơi của vị công tử nức tiếng này.
Điểm nhấn cho lối kiến trúc này chắc chắn là chiếc mái vòm chuẩn phong cách Âu
Trước nhất phải nói về vẻ ngoài của ngôi nhà. Được sơn màu vàng nhạt, ngôi nhà được dựng cột bê tông cốt thép và bó nền bằng gạch thẻ kích thước lần lượt là 20 cm x 7 cm x 15 cm, ốp đá kiểu da quy. Mái của ngôi nhà lợp bằng ngói vảy cá, gây ấn tượng khó tả đối với các bạn tới tham quan là 8 bờ mái trang trí hình tupa. Ngoài ra, mỗi mái đều gắn hình bồ câu bằng xi măng. Đỡ mái nhà là hệ thống cột bê tông âm tường. Về kết cấu bên trong ngôi nhà, nền nhà của Bạch công tử cao 40 cm so với mặt đất, được lót bằng gạch bông có kích thước là 20 cm x 20 cm. Nhờ vào lớp tường dày, ngôi nhà không mất quá nhiều thời gian để trùng tu. Điều đặc biệt thường được thuyết minh tại điểm là hệ thống kèo, xiên, trích của ngôi nhà. Toàn bộ đều được làm bằng gỗ quý. Các đầu cột còn ốp hoa văn đắp nổi.
Khuôn viên nhà Bạch công tử rất rộng, kích thước có thể lên đến 4000 m2
Ngoài ra, thiết kế bậc nhất của ngôi nhà còn được thể hiện trên vòm cửa chính và các vòm cửa bên trái, bên phải. Mỗi vòm đều được chạm nổi, chạm lọng các hình ảnh như rồng, phượng, chim, thú, thêm vào đó còn có hoa lá tinh xảo. Trải qua gần 100 năm tồn tại nhưng ngôi nhà của Bạch công tử vẫn giữ được cho mình nét đẹp xưa, lưu giữ đến từng chi tiết nhỏ như khung ảnh gánh hát Huỳnh Ký lừng lẫy năm 1926 được treo trong một gian nhà. Đây là ngôi nhà cổ độc đáo tại thành phố Mỹ Tho mà bạn nhất định phải ghé qua khi có dịp dừng chân tại vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long này. Thêm ngay vào Cẩm nang du lịch kẻo lỡ nhé, bạn ơi!
4/Video đặc sắc về trải nghiệm khám phá Khu di tích nhà Bạch Công Tử
Ghé lại địa danh có lối kiến trúc sang trọng gắn liền với gánh hát Huỳnh Kỳ Mỹ Tho - Di tích nhà Bạch Công Tử (Lê Công Phước). Video: Youtube/Đi Cùng Phúc. Khu di tích nhà Bạch Công Tử là một trong những địa điểm tham quan sở hữu công trình kiến trúc Châu Âu tuyệt đẹp mà bạn không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình du lịch Tiền Giang của mình.